Con là một em bé thiên thần, dễ chịu và luôn hợp tác với cha mẹ từ nhỏ tới giờ. Vừa sinh nhật 2 tuổi của con xong, cha mẹ lúng túng khi thấy trẻ thay đổi đột ngột.
– Chống đối, cố tình làm ngược lại những hướng dẫn của cha mẹ, điều mà trước đây trẻ luôn nghe theo.
Ví dụ: Khi đi rửa tay, “Chúng ta mở vòi nước nhỏ nhỏ con nhé!” “Không, con mở nước to”.
– Có ý kiến của riêng mình, không theo ý của cha mẹ nữa.
Ví dụ: Lúc còn nhỏ, cha mẹ đưa cho con 2 sự lựa chọn A và B, con lựa chọn A hoặc B. Bây giờ con sẽ đưa ra lựa chọn C của riêng con. “Con muốn đọc sách hay chơi ô tô?” “Con muốn đánh đàn.”
– Từ chối lời đề nghị của người khác.
Ví dụ: Khi cha mẹ mời con đi rửa tay sau khi ăn xong, “Chúng ta rửa tay sau khi ăn xong con nhé!” “Không, con không rửa tay.”
– Thay đổi nề nếp sinh hoạt, trật tự, gọn gàng khi trẻ trên 2 tuổi.
Ví dụ: Bình thường trẻ hay cất dọn đồ chơi sau khi sử dụng xong, nay trẻ quyết định không dọn! Và khi cha mẹ mời trẻ dọn dẹp thì trẻ từ chối!
– Phản ứng mạnh mẽ với việc người khác đụng chạm vào đồ dùng của mình. Từ chối chia sẻ đồ chơi, đồ ăn, thậm chí với cả mẹ & người bạn rất thân của em.
Ví dụ: Gào khóc, dành lại đồ, đánh người khác khi có ai đó đụng vào đồ của mình, lấy đồ của mình. Điều mà trước đây em sẵn sàng chia sẻ, không ý kiến khi người khác sử dụng.
– Trẻ trên 2 tuổi nói trống không, không chào hỏi hoặc hỗn hào với người lớn.
Làm cha mẹ thì khó mà cảm thấy thoải mái và dễ dàng khi chứng kiến con mình khóc lóc, gào thét, đánh bạn, từ chối chia sẻ và làm những điều “trái với bình thường” phải không ạ? Nhưng khi nhìn nhận vấn đề rộng hơn thì đây là giai đoạn tâm lý Bình Thường của một em bé Hoàn Toàn Bình Thường! Hầu hết các trẻ ở tất cả các quốc gia, ở mọi thời đại từ xưa tới nay đều trải qua những cảm xúc và biểu hiện như vậy trong giai đoạn 2-3 tuổi! Cũng giống như để trở thành con bướm xinh đẹp thì con sâu phải trải qua cuộc lột xác vậy đó ạ.
Trong giới mẹ bỉm sữa hay gọi đây là giai đoạn: Khủng Hoảng Tuổi Lên 3 (từ 2 tuổi tới tròn 3 tuổi). Từ “khủng hoảng” này được người lớn dùng nhằm chỉ việc trẻ không bình thường như dưới 2 tuổi, không nghe theo ý của người lớn nữa, nhưng thực tế là trẻ bình thường cha mẹ nhé! Chỉ có mình chưa hiểu trẻ thôi ạ!
Các nhà giáo dục, khoa học gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp từ Nhận thức vô thức sang Nhận thức Có ý thức.
+ Trước đây khi mẹ mời trẻ rửa tay, trẻ chỉ biết trên đời này tồn tại việc mở nước nhỏ nhỏ, sau khi trải nghiệm nhiều lần với vòi nước trẻ đã phát hiện ra, “À thì ra cái vòi nước này không chỉ có thể mở nhỏ, mà còn có thể mở to nữa. Mình muốn trải nghiệm với việc mở vòi nước to xem có gì khác không.”
+ Trước đây cha mẹ luôn vui vẻ và dễ chịu khi trẻ dọn dẹp đồ chơi sau khi sử dụng xong. Bây giờ, “Có khi mình thấy cha mẹ không dọn dẹp đồ sau khi sử dụng, mình cũng không dọn luôn xem sao!”
+ Độ tuổi 2-3, trẻ đang trải nghiệm và đang hình thành “cái tôi”, “tính sở hữu”. Trẻ xem những đồ vật mà mình sử dụng là của mình, thuộc sở hữu của mình và tìm mọi cách để thể hiện “cái tôi”, “tính sở hữu” của mình. Đó là lý do mà trẻ thường xuyên muốn khẳng định mình thông qua từ “Không”, “Của con” và làm ngược lại ý kiến của người khác. Con chưa sẵn sàng để chia sẻ chứ không phải con ích kỷ đâu ạ!
Trong trường hợp như vậy, nếu cha mẹ quá cứng nhắc, buộc con phải nghe lời, phải chia sẻ, phải nghe theo ý kiến của người khác thì con dễ hình thành suy nghĩ:
“Không ai tôn trọng mình. Lời nói của mình không là gì cả. Mình sẽ không đưa ra ý kiến nữa”… => dần dần con đánh mất đi sự tự tin và chính kiến của mình.
“Chia sẻ là một việc rất đáng ghét.” Và con càng ít sẵn sàng chia sẻ hơn.
– Giai đoạn này của trẻ sẽ diễn ra trong bao lâu thì hết?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, cách cư xử của cha mẹ & thầy cô. Chúng ta chỉ sẵn sàng chia sẻ khi chính bản thân chúng ta cảm thấy an toàn, trải nghiệm đủ. Việc yêu cầu con trẻ trên 2 tuổi chia sẻ khi con chưa thỏa mãn là điều thật khó khăn! Kể cả đối với chính người lớn – những người được xem là có lý trí và ý thức mạnh mẽ – cũng rất khó khăn đó ạ.
– Giải pháp là gì?
Tôn trọng ý kiến của trẻ trên 2 tuổi và ráng kiên nhẫn với từ “Không” của con cha mẹ nhé! Sự tôn trọng ở đây thể hiện qua các việc rất đơn giản:
+ Hỏi ý kiến của con khi có sự việc liên quan tới con: “Con có muốn đi siêu thị với cha mẹ không?” “Con đã sẵn sàng đi tắm chưa?” Nếu con từ chối, ok fine, con sẽ chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
+ Tôn trọng quyền sở hữu của con: Khi muốn lấy đồ gì của con thì cha mẹ nhớ hỏi mượn con trước khi lấy nhé! Và chúng ta cũng yêu cầu người khác làm như vậy đối với đồ dùng của con. Nếu trẻ kiên quyết từ chối thì chúng ta tôn trọng ý kiến của con.
+ Quan tâm tới cảm xúc của con nhiều hơn, đặc biệt là khi có những người xung quanh: Cha mẹ thường ái ngại người khác đánh giá rằng mình không biết dạy con, hoặc đánh giá con hư, nên vô tình dùng nhiều lời lẽ giáo huấn để “dạy dỗ con” – điều mà con cần khi gào khóc là một cái ôm hoặc được an ủi hơn là một bài học đạo đức khi con đang không bình ổn tâm trí.
+ Khi tới nơi công cộng sử dụng đồ chung, nói cho con biết trước nội quy khi con tham gia chơi cùng các bạn, hướng dẫn con chờ đợi tới lượt mình sử dụng đồ chơi để con có thể chủ động trong tâm lý cha mẹ nha. Bạn nào tới trước sẽ sử dụng trước.
+ Đọc sách cho con nghe cũng là những thời gian để con lắng đọng, tập trung và bình ổn tâm hồn.
Thông qua bài viết này, Phần mềm giáo dục Tomia hy vọng có thể hỗ trợ cha mẹ hiểu rõ con mình hơn cũng như có cái nhìn sâu sắc hơn về trẻ khi trẻ bắt đầu lên 2.
Nguồn: Mota
TOMIA – Hệ thống quản lý trường học
Hệ thống quản lý trường học Tomia - Phần mềm quản lý trường mầm non hàng đầu trong công tác trao đổi thông tin đa chiều giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh; tiết kiệm thời gian và công sức nhờ vào sổ liên lạc điện tử, giáo án chi tiết và cập nhật thông tin nhanh chóng. Liên hệ ngay với Tomia để trải nghiệm nhé!