Đặt bút lên giấy để bắt đầu viết chữ không phải là điều dễ dàng với tất cả các bạn nhỏ. Đối với một số trẻ, viết là quá chậm so với những ý tưởng đang nảy ra trong đầu của họ. Ngoài ra, những ý tưởng sau khi được viết lên giấy thường khá lộn xộn và không như ý muốn. Nhưng đây lại là một hoạt động mang lại vô số lợi ích trong hành trình phát triển của trẻ.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, giao tiếp qua điện thoại hoặc gõ phím đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc viết tay vẫn đóng vai trò rất quan trọng bởi nó có mối liên kết mật thiết với việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Viết tay tạo cơ hội cho trải nghiệm bằng các giác quan, từ đó hỗ trợ phát triển kỹ năng đọc viết, khả năng ghi nhớ từ ngữ và các khái niệm.
Sự khác biệt giữa mỗi cá thể cũng như trong phong cách học tập và kỹ năng cầm bút có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách viết của trẻ. Vì thế, một số trẻ có thể biết viết từ rất sớm, trong khi một số khác lại mất khá nhiều thời gian để làm quen với kỹ năng này.
Khi trẻ luyện viết mỗi ngày như một thói quen, trẻ dần quen thuộc với hình dạng và nét vẽ của riêng mình, phát triển hiểu biết về cấu trúc ngôn ngữ viết, từ đó hỗ trợ khả năng đọc hiểu và sự lưu loát. Ngoài ra, việc viết chữ không chỉ khuyến khích sự sáng tạo mà còn hỗ trợ trẻ phát triển và duy trì khả năng cầm bút, biết kiểm soát các cơ bắp của mình. Đồng thời, phối hợp uyển chuyển các cơ nhỏ trong tay và ngón tay để tạo nên những đường nét. Những chuyển động tinh tế của tay khi viết góp phần đặt nền tảng vững chắc cho các hoạt động hàng ngày của trẻ như ăn uống, mặc quần áo hoặc thậm chí là một bước đệm cho các hoạt động tương lai của trẻ như học nhạc cụ, chơi thể thao.
Chìa khóa để thúc đẩy trẻ tập viết chính là không có quá nhiều các thiết bị điện tử xung quanh trẻ. Khi đó trẻ sẽ có xu hướng tìm đến bút và viết để vẽ hoặc viết ra những suy nghĩ và ý tưởng của mình. Thêm vào đó, ba mẹ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng này từ khi con còn rất nhỏ. Trẻ dưới 12 tháng được khuyến khích nặn những đồ vật mềm hoặc cầm nắm và khám phá những cấu trúc khác nhau bằng những ngón tay. Ba mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ phấn an toàn hoặc bút màu để viết ra giấy và bảng đen. Ngoài ra, việc vẽ bằng những ngón tay cũng là một hoạt động thú vị. Ba mẹ có thể cùng trẻ nắn bột tạo nên những hình dạng khác nhau. Hơn nữa, hoạt động cắt dán hoặc xâu chuỗi cũng là một ý tưởng hay để cùng trẻ rèn luyện cơ bắp. Linh hoạt phối hợp giữa vui chơi và rèn luyện chính là một bước khởi đầu cùng trẻ trong giai đoạn phát triển sớm này.
Sau đó, khi trẻ sẵn sàng để luyện chữ hơn, ba mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian học tập thoải mái, sáng sủa. Cân chỉnh độ cao của ghế và bàn để trẻ có được một tư thế ngồi thoải mái nhất và thẳng lưng. Không những thế, ba mẹ còn có thể chuẩn bị đủ dụng cụ phục vụ cho quá trình học tập này như bút chì, tẩy, các loại giấy và đặc biệt là phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Viết mẫu và hướng dẫn trẻ cách cầm bút, bắt đầu những nét đầu tiên cũng là một cách để ba mẹ hỗ trợ trẻ. Không những thế, đây còn là một phương pháp tuyệt vời để củng cố sợi dây liên kết giữa ba mẹ và con cái.
Hãy cùng Hệ thống quản lý trường học Tomia trải nghiệm những cách trên để quá trình hỗ trợ trẻ viết chữ không còn là một vấn đề khó khăn đối với ba mẹ nữa nhé!
Hệ thống quản lý trường học Tomia - Phần mềm quản lý trường mầm non hàng đầu trong công tác trao đổi thông tin đa chiều giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh; tiết kiệm thời gian và công sức nhờ vào sổ liên lạc điện tử, giáo án chi tiết và cập nhật thông tin nhanh chóng. Liên hệ ngay với Tomia để trải nghiệm nhé!