Những cuộc trò chuyện với trẻ vị thành niên là một thử thách lớn đối với ba mẹ. Thỉnh thoảng ba mẹ sẽ cảm thấy như đang đi trên một cọng dây, nghiêng quá nhiều hoặc quá ít cũng sẽ dễ dàng trượt té.
Trò chuyện với trẻ từ 10-12 tuổi khó khăn vì nhiều lý do. Trước hết, độ tuổi này là thời điểm mà các bạn trẻ phát triển bản sắc riêng của mình. Để tự trải nghiệm và chứng minh bản thân, đôi lúc họ đưa ra quyết định khá mạo hiểm mà không có sự hội ý với ba mẹ. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên vẫn luôn tìm kiếm sự hỗ trợ và lắng nghe từ ba mẹ mình qua những cuộc trò chuyện. Ba mẹ cần phải linh hoạt, lắng nghe đúng cách và kiên nhẫn để đồng hành cùng trẻ trong từng quyết định dù lớn hay nhỏ. Sau đây là một số lưu ý để ba mẹ có thể hiểu con nhiều hơn thông qua những lần trò chuyện:
1. Thường xuyên nói về những chủ đề khó
Ba mẹ hãy thường xuyên nói chuyện cùng các bạn trẻ bằng những chủ đề quan trọng trong cuộc đời trẻ và hãy làm điều đó một cách đầy quan tâm, không quá đánh giá. Bởi khi trẻ vị thành niên cảm thấy họ có thể trò chuyện một cách cởi mở cùng ba mẹ mình, họ sẽ mở lòng hơn. Quan trọng hơn hết, ba mẹ hãy đặt tâm trí mình vào việc quan tâm, trân trọng và tin tưởng con bạn ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện.
2. Lắng nghe bằng tình yêu thương
Nghiên cứu cho thấy rằng việc lắng nghe bằng cả trái tim sẽ góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và khiến trẻ vị thành niên sẵn lòng chia sẻ nhiều hơn trong tương lai. Lắng nghe đúng cách đòi hỏi ba mẹ chú ý đến những gì con đang nói, cố gắng thấu hiểu vấn đề từ góc nhìn của trẻ và thể hiện rằng ba mẹ luôn yêu thương, trân trọng ngay cả khi ba mẹ đang không đánh giá quá cao việc trẻ làm.
3. Giải thích
Lắng nghe không phải lúc nào cũng đủ và không đồng nghĩa với việc ba mẹ phải đồng ý với các yêu cầu không chính đáng từ trẻ. Đôi lúc ba mẹ cũng cần giải thích hoặc hướng dẫn trẻ cư xử cho thích hợp. Cách làm này có thể hỗ trợ trẻ hiểu được rằng những gì trẻ đang mong cầu vượt quá giới hạn và ngoài khả năng của ba mẹ. Trẻ có thể sẽ phản đối lại ba mẹ, nhưng cách làm này sẽ giúp con hiểu và có nhiều sự lựa chọn để đưa ra quyết định hơn.
4. Điều chỉnh tông giọng
Không chỉ những gì ba mẹ nói là quan trọng, mà tông giọng và cách ba mẹ thể hiện cũng là một yếu tố cần quan tâm. Tông giọng ấm áp, nhẹ nhàng sẽ dễ dàng khiến trẻ mở lòng và đón nhận, gắn kết mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái. Ngược lại, giọng nói gây áp lực có thể khiến con tránh né và gia tăng khoảng cách với ba mẹ mình.
5. Trò chuyện khi cảm thấy thoải mái
Khi ba mẹ mệt mỏi, cảm thấy áp lực, rất khó để ba mẹ có thể ngồi lắng nghe trẻ một cách kiên nhẫn. Vì thế, cả ba mẹ lẫn trẻ hãy đảm bảo rằng bản thân đang trong một trạng thái thoải mái nhất để cùng trò chuyện và lắng nghe nhau.
6. Hiểu rằng một cuộc trò chuyện không thể giải quyết mọi vấn đề
Độ tuổi vị thành niên là lúc trẻ đang trên hành trình phát triển riêng và thường bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố từ bên ngoài khá phức tạp như bạn bè, tâm lý. Ba mẹ có thể lắng nghe và đưa ra những lời khuyên kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, một cuộc trò chuyện sẽ không thể giải quyết được hết mọi vấn đề, ba mẹ cần dõi theo để đồng hành cùng con trong hành trình sắp tới thường xuyên hơn miễn là ba mẹ nỗ lực hết sức mình.
Áp dụng những lưu ý trên trong quá trình lắng nghe và quan sát trẻ sẽ hỗ trợ ba mẹ thấu hiểu con mình hơn, cũng như khiến trẻ dễ dàng mở lòng hơn với ba mẹ dù gặp phải vấn đề khó khăn nào trong cuộc sống.
Hệ thống quản lý trường học Tomia - Phần mềm quản lý trường mầm non hàng đầu trong công tác trao đổi thông tin đa chiều giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh; tiết kiệm thời gian và công sức nhờ vào sổ liên lạc điện tử, giáo án chi tiết và cập nhật thông tin nhanh chóng. Liên hệ ngay với Tomia để trải nghiệm nhé!