Tính cách là một trong những điều vừa có thể giữ nguyên và vừa có thể thay đổi trong hành trình phát triển của con người. Quá trình hình thành tính cách được ví như hành trình phát triển của cây cối, tồn tại ngay từ khi vừa mới chào đời tựa rễ cây, sau đó nở hoa và trưởng thành theo năm tháng. Khi trẻ nhận biết được tính cách của mình, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và từ đó có thể theo đuổi những giấc mơ riêng một cách đầy tự tin. Vậy làm thế nào để ba mẹ có thể hỗ trợ trẻ phát triển những tính cách riêng đang dần hình thành ấy? Hãy cùng Tomia tìm hiểu 3 cách đơn giản sau đây nhé:
1. Hiểu rõ trẻ
Hình dung trong đầu một cách tổng quan về tính cách của trẻ sẽ giúp ba mẹ hỗ trợ con mình tốt hơn bao giờ hết. Điều này không đồng nghĩa với việc ba mẹ đang định hình tính cách cho trẻ nhưng chỉ để hiểu rõ con mình thích gì, muốn điều gì và đâu là những nét tính cách nổi bật hơn cả để từ đó hỗ trợ và hướng dẫn trẻ trải qua đa dạng các tình huống trong đời sống hàng ngày.
Để hiểu rõ con mình, ba mẹ có thể thử tự đặt những câu hỏi như: “Con hướng nội hay hướng ngoại?”, “Trẻ quan tâm đến tổng thể vấn đề hay tiểu tiết?”, “Liệu con yêu thích dành thời gian riêng cho bản thân hay muốn ở cạnh những người khác?”,… Quan sát và trả lời được những câu hỏi này chính là bước đầu tiên trong hành trình tìm hiểu trẻ.
2. Đặt ra thử thách vừa đủ cho trẻ
Thử thách là điều cần thiết trong hành trình phát triển của bất kỳ ai. Vì thế, đôi lúc ba mẹ muốn đặt ra thử thách để trẻ tự phát triển bản thân nhưng hãy lưu ý rằng đừng quá nặng nề vượt xa giới hạn của con trẻ. Ranh giới giữa thử thách và áp lực rất mong manh. Nếu trẻ cảm nhận được tính thử thách trong công việc, tự khắc trẻ sẽ có khả năng giải quyết những cảm xúc của mình dù đó là thử thách khó khăn hay nhẹ nhàng. Ngược lại, khi con yêu cảm thấy áp lực, các khả năng giải quyết vấn đề cũng sẽ chẳng còn, thậm chí con sẽ bị nhấn chìm trong áp lực ấy.
3. Tạo môi trường phù hợp với tính cách của trẻ ngay trong gia đình
Không có đặc điểm tính cách nào ở trẻ có thể gây ra vấn đề trong cách hành xử, thay vào đó, vấn đề có thể xuất phát từ môi trường không phù hợp. Ví dụ, rất khó để yêu cầu một bạn nhỏ năng động và tràn đầy năng lượng ngồi yên mãi trong lớp học. Sự năng động không phải là một vấn đề, nhưng bởi vì đặt nét tính cách đó vào một nơi không phù hợp sẽ dẫn đến sự xung đột giữa tính cách và môi trường. Vì thế, ba mẹ hãy thử nghĩ về tính cách của trẻ và gia đình – môi trường cốt lõi, từ đó ba mẹ sẽ có cái nhìn rộng hơn sang những nơi khác mà trẻ thường tiếp xúc ví dụ như trường học, khu vui chơi,… Hiểu rõ điều này sẽ giúp ba mẹ tạo ra một không gian phù hợp với trẻ ngay chính trong nhà mình.
Hy vọng bài chia sẻ này sẽ góp phần hỗ trợ ba mẹ trong hành trình cùng trẻ phát triển những nét tính cách độc đáo của riêng mình.
Cre: nurtureandthriveblog
Translated by TOMIA – Hệ thống quản lý trường học
Hệ thống quản lý trường học Tomia - Phần mềm quản lý trường mầm non hàng đầu trong công tác trao đổi thông tin đa chiều giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh; tiết kiệm thời gian và công sức nhờ vào sổ liên lạc điện tử, giáo án chi tiết và cập nhật thông tin nhanh chóng. Liên hệ ngay với Tomia để trải nghiệm nhé!